Early Childhood Education and Care (Mầm non): Từ 9 tháng tuổi- 5 tuổi bao gồm nhà trẻ, nhóm giữ trẻ gia đình, giữ trẻ tại gia.
- Phụ huynh cả cha lẫn mẹ đều được nghỉ thai sản tới 13 tháng và có thể gia hạn tới 3 năm để trông con tại gia. Thời gian này không được trả lương nhưng vẫn được nhận trợ cấp nuôi con.
- Các cơ sở trông trẻ có thể thu phí hoặc miễn phí tùy trường hợp và dựa trên thu nhập của phụ huynh. Tuy nhiên, được hỗ trợ về thuế nên các giáo dục mầm non thu phí có giá cả rất phải chăng. Ví dụ: Kela.
- Các giáo viên cũng đều được đào tạo bài bản và khắt khe trong giáo dục trẻ nhỏ.
- Tập trung vào sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trẻ em học những kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, ca hát, thủ công, các kỹ năng có thể áp dụng trong thực tế, tiếp thu các loại thông tin khác nhau, kỹ năng học tập. Tuy nhiên, mầm non không phải trường học, trẻ em không tham gia các lớp học hay học môn học nào.
- Chương trình học có nhiều hoạt động ngoài trời kết hợp cùng phụ huynh ở các khu vui chơi, công viên… cũng như là các hoạt động vui chơi.
- Những đứa trẻ không có tiếng Phần Lan hoặc Thụy Điển sẽ nhận được sự hỗ trợ để học một trong hai thứ tiếng trên. Tuy nhiên vẫn có các trường mầm non dạy bằng tiếng Anh, nhưng chỉ có ở các thành phố lớn.
Pre-primary Education (Giáo dục trước tiểu học): Từ 6 tuổi.
- Học trong vòng một năm, dành cho những đứa trẻ lên sáu và hoàn toàn miễn phí. Bậc học bắt buộc trước khi trẻ theo bậc học Giáo dục Cơ bản.
- Thời gian học từ thứ hai đến thứ sáu, 4 tiếng một ngày. Trẻ được ăn trưa miễn phí tại trường (và sẽ được điều chỉnh theo chế độ ăn dinh dưỡng của từng bạn), và tùy trường hợp sẽ được hỗ trợ đi chuyển. Giáo viên có chuyên môn cao về giáo dục trẻ nhỏ.
- Trẻ nhỏ sẽ được học về toán, văn hóa, nghệ thuật, hiểu biết và nhận thức chung về môi trường. Các bạn sẽ học được kiến thức mới qua việc vui chơi. Đồng thời, các giáo viên sẽ có kế hoạch học tập cá nhân hóa cho từng trẻ và ba mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ và hướng dẫn trong quá trình học tập.
- Đối với các bạn có sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc…Các bạn cũng sẽ được học để trân trọng văn hóa bản địa và nguồn cội của mình cũng như các nền văn hóa khác.
- Những đứa trẻ không có tiếng Phần Lan hoặc Thụy Điển sẽ nhận được sự hỗ trợ để học một trong hai thứ tiếng trên.
- Một ngày học cũng bao gồm giờ vui chơi và hoạt động ngoài trời.
Basic Education (Giáo dục cơ bản): Từ 7 đến 16 tuổi.
- Giáo dục Cơ bản là bắt buộc tại Phần Lan, bao gồm 9 bậc học và hoàn toàn miễn phí. Có ít nhất 20 giờ học mỗi tuần cho những bậc học đầu tiên và học sinh tham gia nhiều giờ học hơn các bậc cao hơn.
- Trẻ em Phần Lan khi 7 tuổi mới thực sự bắt đầu việc học Giáo dục Cơ bản, muộn hơn so với các quốc gia khác. Bởi họ muốn những đứa trẻ đó có thời gian sống đúng với lứa tuổi của mình chứ không phải chăm chú học trong thời thơ ấu.
- Giáo viên cũng có yêu cầu khắt khe hơn khi trình độ tối thiểu là thạc sỹ và phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với khối bậc 1-6 và có nghiệp vụ chuyên môn trong các môn học giảng dạy bậc 7-9.
- Giáo viên tự do thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên khung đào tạo của quốc gia và địa phương. Kết hợp cùng các chủ đề mở rộng về đời sống hằng ngày, về xã hội, thông tin hay công nghệ truyền thông.
- Học sinh sẽ học cùng một giáo viên trong suốt 6 năm đầu tiên. Việc này giúp kết nối thầy trò bền chặt hơn cũng như giúp cho giáo viên xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp với học sinh của mình.
- Trong quá trình học, học sinh sẽ tự mình đặt ra trách nhiệm và nhu cầu của mình trong việc học tập.
- Không có bài kiểm tra tiêu chuẩn của quốc gia, việc kiểm tra hay đánh giá tiến độ học tập của học sinh sẽ hoàn toàn được ra đề và quản lý bởi giáo viên.
- Sau khi hoàn thành Giáo dục Cơ bản bắt buộc thì học sinh tự do lựa chọn việc học của mình: trung học phổ thông hoặc học nghề.
Trung học phổ thông: Từ 16 đến 18 tuổi.
Học sinh có thể theo học Cấp 3 hoặc học Nghề. Trước kì nhập học chính thức, các bạn có thể tham gia lớp Hội Nhập (Preparatory Education and Training) của chương trình Nghề hoặc Cấp 3 để chuẩn bị nền tảng.
General Upper Secondary Schools (Cấp 3): 2-4 năm
- Các môn học vẫn giữ giống như Giáo dục Cơ bản nhưng khó hơn và yêu cầu cao hơn. Việc học liên quan đến lý thuyết bao gồm các môn như ngôn ngữ, toán, khoa học tự nhiên, nghiên cứu xã hội… một số trường khác sẽ có các môn liên quan đến nghệ thuật.
- Học sinh sẽ không học chuyên sâu về bất kỳ lĩnh vực nào. Việc học sẽ kéo dài 2-4 năm tùy học sinh. Giáo dục Cấp 3 là miễn phí học phí và còn cung cấp cho học sinh sách vở, tài liệu số hóa, thiết bị điện tử.
- Sẽ có một số trường chuyên về các lĩnh vực như nhạc lý, giáo dục thể chất, hay khoa học tự nhiên… Các trường chuyên cũng rất phổ biến ở Phần Lan cùng với các yêu cầu tuyển sinh đầu vào gắt khao.
- Hình thức học đa dạng và người lớn cũng có thể học Cấp 3 ở trường Cấp 3 dành cho người lớn, hoặc học bổ sung qua các hình thức online, tự học…
- Học sinh tham gia kì thi cuối cấp National Matriculation Exam vào gần cuối kỳ, hay còn được xem là bài thi tuyển sinh đại học của Phần Lan.
- Đa phần sẽ học bằng tiếng Phần hoặc tiếng Thụy Điển, tại những thành phố lớn thì sẽ có những trường dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp
Vocational Institutes (Học Nghề): 3 năm
- Một lựa chọn sau khi tốt nghiệp Giáo dục Cơ bản, tập trung theo hướng đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Giáo dục Nghề dành cho người trẻ lẫn người trưởng thành.
- Các lĩnh vực giáo dục Nghề ở Phần Lan: Giáo dục, Nghệ thuật và Nhân văn, Khoa học Xã hội, Quản trị Kinh doanh, Khoa học Tự Nhiên, Kỹ thuật, Nông-Lâm nghiệp, Sức khỏe Toàn diện, Dịch vụ.
- Có thể học lên thành chuyên gia trong nghề mà sinh viên đã chọn hoặc nộp đơn học tiếp vào các trường đại học nghiên cứu, đại học khoa học ứng dụng hoặc trực tiếp đi làm sau khi tốt nghiệp.
- Vào kì đầu tiên, sinh viên được lên kế hoạch học tập cá nhân hóa (HOKS) bao gồm các kỹ năng sinh viên đã có và sẽ học. Các sự hỗ trợ cần thiết khác cũng sẽ được cung cấp phục vụ cho sinh viên.
- Việc học rất linh hoạt, học sinh học theo khả năng và tốc độ học của mình, có thể học nhiều cách, nhiều môi trường, học tùy chọn các môn mình muốn nên sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hoặc trễ.
- Việc đánh giá kiểm tra dựa trên đánh giá năng lực nghiệp vụ, sinh viên phải thể hiện kỹ năng làm việc tại chỗ làm dưới sự kiểm tra của hai giáo viên.
- Có ba loại là nghề cơ bản, nghề nâng cao và nghề chuyên gia:
- Nghề Cơ Bản (Initial Vocational Qualifications) cung cấp người học những kỹ năng làm việc căn bản, học trong 3 năm. Việc học còn bao gồm vài môn học chung như kỹ năng giao tiếp và tương tác, toán học, khoa học tự nhiên, các kỹ năng xã hội và làm việc.
- Nghề Nâng Cao (Further Vocational Qualifications) thường được học song song làm việc hay thử việc. Sinh viên thường học khi đã có kinh nghiệm đi làm việc (sinh viên trưởng thành).
- Nghề Chuyên Gia (Specialist Vocational Qualifications) cung cấp kỹ năng nghề nâng cao hơn, gần như có thể làm mọi yêu cầu công việc trong lĩnh vực của mình. Sinh viên có thể học khi đã hoàn thành bậc Nghề Cơ Bản và đã có vài năm kinh nghiệm làm việc.
Các bậc đào tạo cao hơn
Sau khi hoàn thành bậc 1 trong 2 bậc Trung học Phổ thông ở trên thì sinh viên tiếp tục học tại các trường đại học nghiên cứu, trường đại học khoa học ứng dụng, hay quay lại trường nghề.
- Có những lớp dạy bằng tiếng Anh nhưng phần lớn là dạy bằng tiếng Phần Lan hoặc tiếng Thụy Điển.
- Có thể tuyển sinh qua nhiều hình thức tùy trường như: tham gia bài thi cuối cấp National Matriculation Exam, hoặc bằng cấp 3 của Phần Lan hoặc quốc gia khác (phải có giá trị quy đổi tương đương), bằng Nghề…
- Ngoài các trường đại học đặc trưng, Phần Lan còn có “Đại học mở” là dạng trường đại học cung cấp các khóa học bậc đại học cho tất cả mọi người, không yêu cầu các chứng chỉ hay bằng cấp đầu vào.
Universities (Đại học Nghiên cứu):
- Dạy về nghiên cứu khoa học. Thời gian học cử nhân khoảng ba năm và thạc sĩ là hai năm. Sinh viên có thể học cử nhân (Bachelor) và thạc sỹ (Master) tại cùng một trường.
- Chuyên môn học tập trải dài nhiều lĩnh vực như: y tế, kinh doanh, khoa học xã hội, luật, nhân văn và công nghệ… Tuy nhiên, việc học thường không hướng tới ngành nghề cụ thể sau tốt nghiệp (chủ yếu sinh viên sẽ làm những công việc liên quan đến nghiên cứu) ngoại trừ một số ngành đặc thù như giáo viên, luật sư, bác sĩ, diễn viên, kỹ sư, họa sĩ…
- Sau khi hoàn thành bậc thạc sĩ thì có thể tiếp tục học lên bằng Licentiate (một loại bằng cấp, Thụy Điển và Phần Lan là một trong những nước sử dụng loại bằng này) hoặc bằng tiến sĩ (Doctoral).
Universities of Applied Sciences (Đại học Khoa học ứng dụng):
- Dạy thực tiễn hơn về nghiệp vụ chuyên môn, có yêu cầu thực hành nghề, sinh viên sau tốt nghiệp sẽ có chuyên môn trong lĩnh vực ngành nghề cụ thể.
- Bao gồm các hình thức học trực tiếp tại trường và các doanh nghiệp kèm rất nhiều lớp thực hành. Thời gian học bậc cử nhân (Bachelor) là 3.5–4.5 năm. Nếu muốn tiếp tục theo học bậc thạc sỹ (Master) thì phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc.
- Chuyên môn học tập trải dài nhiều lĩnh vực kèm cụ thể các ngành nghề sau tốt nghiệp. Ví dụ:
- Tài nguyên và môi trường (kỹ sư lâm nghiệp, kiến trúc sư cảnh quan…)
- Giáo dục và nhân văn (phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu…)
- Văn hóa (nhạc sĩ, thiết kế nội thất…)
- Du lịch và thực phẩm (viên trưởng phục vụ, chuyên viên khách sạn…)
- Dịch vụ xã hội, sức khỏe và thể thao (hộ sinh, nhà vật lý trị liệu, điều dưỡng viên…)
- Khoa học xã hội, quản trị kinh doanh (đàm phán viên, trợ lý thị trường…)
- Công nghệ, giao tiếp và phương tiện (kỹ sư ô tô, kỹ sư hàng hải…)
Bản quyền bài viết thuộc về Team Academic & Training, RAB Consulting Limited. Hình ảnh từ Internet.
Các nguồn tham khảo:
- Finnish education system – OKM – Ministry of Education and Culture, Finland
- Finland has no private schools – and its pupils perform better than British children.
- Ministry of Education and Culture (Finland) – MicroHE
- 10 reasons why Finland’s education system is the best in the world.
- The Finnish education system
- Education at a Glance: Vocational education and training is more popular in Finland than in other OECD countries – Finnish Government (valtioneuvosto.fi)