Ms Nguyễn Huỳnh Nhung 

Việc làm và những điều phải kể

Tìm việc khó như thế nào?

Chị Nguyễn Huỳnh Nhung (tên thân mật: Nhung Lee) bắt đầu hành trình Phần Lan của bản thân và gia đình với chương trình Food Services, kỳ tháng 11/2023, trường Nghề Takk, Tampere. Vài tuần sau khi sang Phần Lan, chị Nhung Lee chia sẻ với RAB một tin vui là chị đã có việc làm thêm, quan trọng hơn là những nỗ lực không ngừng của chị để được nhận vào vị trí đó. Theo dõi hành trình của chị và gia đình, chúng tôi ngưỡng mộ sự kiên trì, nhanh nhẹn và đồng lòng của họ. Tuy vậy, chúng tôi chưa bao giờ bị bất ngờ vì những gì chị gặt hái được, hãy theo dõi bài phỏng vấn sau đây giữa RAB và chị Nhung Lee, Quý vị sẽ phần nào hiểu được điều đó:

Câu hỏi 1. Chị đã đến Phần Lan bao lâu? Chị đi cùng ai?

Mình đến Phần Lan vào ngày 17/10, nhưng sau vài ngày thì mình qua Đức và chính thức bắt đầu cuộc sống ở Phần là ngày 1/11. Mình đến Phần Lan cùng chồng và 1 bé trai 11 tuổi.

Câu hỏi 2. Chị có bà con thân thuộc ở Phần Lan hay không? Trước khi đến Phần Lan chị đã biết nhiều về đất nước này chưa? Chị đã có những sự bỡ ngỡ / ngạc nhiên / lo lắng ban đầu như thế nào, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên đi tìm công việc?

Mình không có quen biết ai ở Phần Lan. Trước khi đăng ký chương trình học này mình cũng không biết gì về đất nước Phần Lan. Điều duy nhất mình quan tâm và lo lắng khi qua đây là tìm việc làm sớm nhất có thể vì mình biết khả năng tài chính của gia đình sẽ không duy trì được lâu dài nếu không có việc.

Câu hỏi 3. Chị đã tìm công việc part-time đầu tiên như thế nào? Chị có thể mô tả quá trình đi tìm việc, mô tả công việc, mức lương, giờ giấc làm việc, mô tả người chủ / sếp của chị không?

Mình lên trang AI Bard (bây giờ đổi lại là Gemini) để hỏi các đường link tìm việc ở Phần Lan Tampere, sau đó mình đã tìm kiếm nghề phục vụ nhà hàng bằng tiếng Anh và may mắn là có 1 kết quả phù hợp. Mình không gửi email mà inbox trực tiếp cho chủ qua Whatsapp. Nhưng lúc đó mình không nhận được phản hồi. Mình nghĩ là họ không tuyển mình nữa nên cũng không nhắn thêm. Tuy nhiên sau đó 1-2 ngày mình lại thấy họ vẫn update bài tuyển dụng, chưa gỡ bài, nên lần này mình đi tìm thông tin nhà hàng và tìm được số điện thoại mới, sau này mình mới biết số điện thoại cũ là số điện thoại của chủ (chủ người Trung nên cũng không muốn giao tiếp bằng tiếng Anh), số điện thoại sau là của bạn quản lý người Phần, và mình đã được gọi đi phỏng vấn ngay sau đó 2 ngày và được nhận việc. Tuy nhiên sau vài ngày mình không thấy chủ báo giờ đi làm, thế là cứ khoảng 3 ngày mình lại nhắn 1 tin, mỗi tin 1 nội dung khác nhau, mình học thuộc menu rượu, thuộc tính từng loại để tư vấn, thực đơn, và gửi cho quản lý để nhằm ý mình sẵn sàng đi làm rồi. Sau nửa tháng thì mình chính thức được đi làm. 

Hợp đồng mình là 40 giờ / 3 tuần, lương thử việc 80%. Tuy lương thấp so với tiêu chuẩn người Phần nhưng cũng đủ gia đình chi trả tiền thuê nhà, đó là khoản tốn kém nhất của mình bên này.

Chủ mình theo mình thấy là người khá tử tế. Mình khá bất ngờ khi lần đầu đi làm đó là bên này họ trao toàn quyền quản lý quán cho mình, từ tiền nong tới đóng cửa nhà hàng. Do đó tính trung thực nên là ưu tiên hàng đầu. Một phần chủ họ biết họ được luật pháp Phần Lan bảo vệ nên họ cũng ngại khi mình làm gì sai, tuy nhiên những thứ nhỏ nhặt mình đều báo cáo đầy đủ cho chủ, vì mình hiểu chủ nói chung và người Trung Quốc nói riêng rất cần sự trung thành của nhân viên. 

Nhà hàng đăng ảnh chào đón thành viên mới

Câu hỏi 4. Hiện nay chị đang làm bao nhiêu đầu việc? Chị có thể mô tả các công việc này không?

Hiện tại mình có 1 việc full-time kokki (người làm sushi) ở quầy sushi trong siêu thị K-citymarket, mình làm phục vụ ở nhà hàng Nhật (công việc đầu tiên của mình khi tới Phần) và làm quét dọn 1 ngày 1 tiếng cho 1 quán ăn trong chợ Tampere Market Hall (Kauppahallin).

Câu hỏi 5. Chồng chị có việc làm sau mấy tháng đến Phần Lan? Nếu được, chị có thể mô tả về công việc của anh ấy không? Và anh ấy đã hy sinh công việc ở Việt Nam như thế nào để thực hiện con đường Phần Lan này?

Chồng mình có việc sau 5 tháng ở Phần Lan. Anh làm cho công ty vệ sinh ISS, dọn dẹp các văn phòng công sở. Anh qua đây cũng thử xin việc nhưng gửi CV tiếng Anh là không chỗ nào quan tâm. Sau đó anh đã học gia sư 1 kèm 1 tiếng Phần 20 buổi, viết CV tiếng Phần và đi xin việc phỏng vấn bằng tiếng Phần luôn. Và ngay từ job apply đầu tiên anh đã nhận được việc.

Ở Việt Nam anh làm phó phòng cho một chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên nếu đã chuyển tới một đất nước thì gia đình mình đã xác định sẽ bỏ hết làm lại từ đầu, nên việc nói hi sinh có vẻ hơi to tát. Mình biết chỗ siêu thị mình làm còn có 1 bạn là bác sĩ ở quê nhà, nhưng qua đây vẫn bắt đầu từ công việc dọn dẹp. Khởi đầu sẽ không thể dễ dàng, chủ yếu quá trình mình tự phát triển bản thân như thế nào thôi.

Câu hỏi 6. Chị có thể mô tả quá trình đi Practical Trainings của chị không?

Theo kinh nghiệm của mấy anh chị TAKK 1 thì nghe nói là xin thực tập rất khó khăn, chỗ thì không nhận, chỗ thì bóc lột, do đó mình quyết định là sẽ chọn chỗ nào chủ là người Phần, và chỗ nào có nhiều hàng quán dạng chuỗi thì mình có thể thực tập 1 chỗ mà không phải vất vả đi xin nhiều cho nhiều lần thực tập. Đó là lý do mình xin thực tập ở siêu thị. Siêu thị chỗ mình là siêu thị 24/7 và khá lớn ở Tampere, khu hàng ăn có tất cả 4 nhà hàng và 1 quầy đóng gói thực phẩm ăn sẵn, chưa kể 2 nhà hàng bên ngoài khuôn viên siêu thị.

Mình thực tập đầu tiên ở quầy sushi. Thời điểm đó mình thấy chỗ mình thực tập mọi người khá thân thiện nên mình xin học hết tất cả các khâu kể cả dọn dẹp, nấu cơm, làm sushi, cắt cá, …

Quầy sushi ở siêu thị nơi chị Nhung Lee làm việc

Câu hỏi 7. Chị có thể mô tả quá trình tìm Apprenticeship của chị không?

Mình không hẳn là tìm vì thời điểm đó mình chưa bao giờ nghĩ sẽ được nhận làm ở đây. Trước đó mình từng apply việc thời vụ ở K-citymarket và cũng có 1 anh kể lại quá trình phỏng vấn xin việc ở đây thì tiếng Phần yêu cầu chắc cỡ B1 người ta mới nhận. Nên mục tiêu của mình chỉ là học món và apply xin làm sushi ở những đơn vị Châu Á khác. May mắn là thời điểm mình thực tập thì có 1 bạn chuẩn bị nghỉ và mình được nhiều đồng nghiệp gợi ý xin việc với sếp. Mình đã có 1 bài thuyết trình với sếp về mong muốn, nguyện vọng, điểm được và không được của mình, để sếp hiểu rõ hơn về hoàn cảnh và khả năng của mình. Kết quả là kết thúc đợt thực tập đầu tiên thì mình được nhận làm chính thức.

Thực đơn các món thường ngày ở nhà hàng nơi chị Nhung làm việc

Câu hỏi 8. Chị dự định khi nào có thể tốt nghiệp chương trình học Nghề?

Mình dự kiến chắc cuối năm nay mình sẽ xin thi tốt nghiệp sớm.

Câu hỏi 9. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm hay gửi những lời khuyên của chị để giúp các bạn sắp sang có sự chuẩn bị cho quá trình tìm việc và hòa nhập vào thị trường lao động ở Phần Lan hay không?

Để xin việc ở Phần Lan, quan điểm của mình là 70-80% dựa vào mối quan hệ và may mắn, 30% còn lại là nỗ lực bản thân. Tuy nhiên ngôn ngữ sẽ quyết định tới hơn 90%, dù bạn có giỏi nghiệp vụ cỡ nào mà tiếng Anh không biết, tiếng Phần không xong thì cũng khó có thể kiếm được việc lâu dài. Khi mình search tìm việc bằng tiếng Phần thì thực sự mỗi ngày đều có thêm những công việc mới cần người, thị trường lao động khá nhộn nhịp chứ không hề khó kiếm việc như mình nghĩ. Mình có 1 bạn người Phần sau khi quit job cũ đã có ngay 3 job mới với cùng 1 lĩnh vực nhà hàng, coffee. Tuy nhiên đó chỉ dành cho những bạn có thể giao tiếp tiếng Phần tốt, còn không thì gần như chỉ có thể trông chờ vào may mắn có nhà hàng nào dùng tiếng Anh họ cần người thôi.

Câu hỏi 10. Kế hoạch sắp tới của chị là gì? Trong 1 vài năm tới, chị có ý định gắn bó với thành phố Tampere không? Và chị có ý định đi làm trong lĩnh vực đã học hay không? Chị thấy được những cơ hội nào tại Phần Lan?

Tháng 8 tới mình sẽ nhập học Tampere University of Applied Science, mình học trong 3.5 năm. Hợp đồng lao động hiện tại của mình cũng lâu dài nên chắc chắn mình sẽ gắn bó lâu dài ở Tampere. Hơn nữa, cả gia đình mình đều thích Tampere, dù không nhộn nhịp như Helsinki, nhưng mình thích sự yên bình ở đây, mà vẫn là trung tâm, mua bán sinh hoạt vẫn dễ dàng.

Câu hỏi 11. Anh và Chị đánh giá như thế nào về khả năng hội nhập, trụ lại và phát triển của người Việt Nam tại Phần Lan?

Không riêng người Việt, người Châu Á nói chung được khá nhiều người tuyển dụng thích vì sự chăm chỉ và trách nhiệm cao trong công việc. Việc hội nhập và phát triển được hay không là do bản thân mỗi người. Nếu bạn chăm chỉ học tiếng, hết mình vì công việc thì mình chắc chắn  sớm thì muộn bạn cũng sẽ có job và ổn định được tại Phần Lan. Tuy nhiên rào cản ngôn ngữ là không dễ, nên nếu ai chưa qua Phần thì nên tập trung học thật chăm, ít nhất giao tiếp cơ bản hỏi sức khoẻ hỏi tên, người Phần sẽ rất cảm tình với những ai mới qua mà chịu học tiếng và giao tiếp tiếng Phần với họ. Vì khi bước chân qua tới đây bạn sẽ bị rất nhiều áp lực, và mất rất nhiều thời gian từ việc di chuyển, nấu nướng, đi học, đi xin việc, đi hoạt động hoà nhập, việc học bài bản sách vở sẽ trở ngại hơn. Do mình thuộc kiểu người khó tập trung nên thường mình cần trên 2-3 tiếng học liên tục trở lên mới có thể vào đầu, nên cá nhân mình nếu thời gian quay ngược thì mình sẽ cố gắng tập trung học tiếng ở Việt Nam trước để tăng tốc hơn việc hoà nhập bên này.

RAB Pride sẽ cập nhật thêm các câu chuyện khác về chủ đề Tìm việc, Đi làm.

 

Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc về tác giả.

RAB đăng dưới sự đồng ý của tác giả.

error: Content is protected !!