Hôm nay, mình sẽ kể chuyện chuyện này:
Ngày mình ở Đức, mình học tiếng ở Trường Đại học, trong lớp mình học chỉ có 20% thích học tiếng (có khi còn ít hơn), 80% học vì tín chỉ, vì là dân giao lưu quốc tế, họ không có nhu cầu học nhiều.
Ngoài ra, mỗi tuần 3 ngày mình học ở 1 trung tâm cho người nhập cư. Trung tâm này 100% người đều có động lực học tiếng, học tiếng là nhiệm vụ chính của họ. Ngoài việc bỏ thời gian thì mình bỏ thêm tiền bạc để học ở trung tâm đó 1 tháng khoảng 200 euros, khoảng 1/3 đến 1/4 số tiền mình có được từ việc đi làm thêm/thực tập (Mình làm y như vậy lúc ở Phần Lan, mình học cùng với một vài bác sỹ, y tá… người Nga, Latvia, Estonia, họ giỏi vô cùng mọi người ạ, họ siêu lắm, chỉ vì: họ không có đường khác, họ bắt buộc phải sinh tồn).
Vụ 20% và 100% này thể hiện 1 việc: gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Phải ở gần những người thực sự muốn học tiếng.
Mình học tiếng Đức 1.5 năm, đang học B1 thì về nước, Tiếng Đức mình học được giúp mình đi làm thêm, giúp mình tạo ấn tượng, giúp mình có bạn bản xứ, bạn nhập cư, bạn tốt, và đến bây giờ, giúp mình “sell” bản thân, nó như một món trang sức trên người mình, chưa bao giờ mình thấy chán món trang sức này, chỉ tiếc không còn chút thời gian để làm cho món này sáng bóng hơn.
NHƯNG, có lần các bạn Đức cùng nhà mình tổ chức sinh nhật “âm thầm” cho mình, và trước mặt mình, bọn nó đã bàn kế hoạch hết 2 tháng bằng tiếng Đức, nhưng mình không biết gì về kế hoạch này cả.
Vậy nên, nếu bọn nó không “nương” mình, không có chủ ý cho mình nghe được, thì mình đừng mong nghe được. Bọn bạn mình nó nói 1 thứ tiếng Đức khác, ở 1 tầng khác cao cấp hơn.
Khách hàng cũng vậy, chủ cũng vậy, đồng nghiệp cũng vậy, họ phải nương mình. Họ nương mình để được việc cho cả 2 bên (ví dụ trong quan hệ chủ – người đi làm), họ nương mình vì họ thấy mình quá dễ thương, họ nương mình vì muốn học và họ muốn dạy mình…vì nhiều lý do, nhưng tóm lại họ nương mình hay không là lý do chính là ở mình có cho họ thấy có cần phải nói chậm lại để nương mình không.
Có nghĩa là có 2 tầng tiếng, mà người nước ngoài như mình phải xác định để khỏi hoảng hốt:
Tầng 1
Tầng 1, tầng mà người ta phải nương mình: Giao tiếp trong khuôn khổ hằng ngày + công việc thường ngày của mình => mục đích giao tiếp được, “sống còn” được: như nói chuyện được với chủ nhà, giao tiếp được với người nhà của bạn bè mình, giao tiếp được với police, giao tiếp được với người tái xế xe buýt, với những người già, và để đi làm thêm được (nghe được điện thoại, tính được tiền, hài hước được trong lúc làm bồi bàn, đặt được món ăn, nói chuyện được với các anh chị trong bếp…).
Tầng này mình thấy cần 6 tháng là đâu sẽ vào đấy, “máy sẽ chạy”, nếu xác định đúng mục tiêu, học đúng cách và bỏ đủ tâm trí vào học.
Mình muốn khuyên: nếu được, hãy học cùng những người nhập cư từ các nước Đông Âu hay Châu Phi, các bạn sẽ tự thấy mình có động lực vô cùng lớn. Người Việt có cùng hoàn cảnh thì thật tuyệt vời. Nhưng sự thật mất lòng: người Việt của mình tính “hay than”, mà bạn đó than ở lớp chưa chắc gì về nhà không cắm đầu cắm cổ học để tốt hơn mình, cái tính này nhất quyết phải bỏ, nếu không bỏ là sẽ không cùng nhau làm được cái gì lớn – mình phê bình cái tính này tới cùng.
Ngoài ra, cách học của mình là tự trò chuyện với bản thân và tự đóng mấy vai liên tục trong cuộc trò chuyện mà mình tự suy nghĩ ra. Nói thật với mọi người mình thường đi trên đường mà không thấy đường dài, là bởi vì mình dành thời gian đi đó để tự học tiếng, hay luyện những việc liên quan đến kỹ năng nói. Cho đến bây giờ mình vẫn làm y như vậy, mình luyện những bài nói của mình với khách hàng, đối tác, với truyền thông…toàn là mình tự làm bài tập với mình. Tiếng Việt mình cũng luyện.
Ngoài ra phải lưu ý: Để học thành công tầng này, chúng ta cần một môi trường tốt và cần động lực để khởi đầu. Đặc biệt lưu ý: Môi trường tốt không phải là tự có, mà do mình chủ động tạo ra. Mình đến nước đó đã là một bước, nhưng mà mình có học được tiếng đó không là 1 bước khác. Hãy tưởng tượng 1 người nước ngoài đến Việt Nam mà không có 1 chủ ý gì để học tiếng Việt, thì mình đâu có tốn chi thời gian để dạy cho họ. Động lực là phải rõ ràng, đặc biệt đối với người lớn. Team tiếng Anh của RAB nói: trẻ nhỏ thì động lực là ba mẹ bắt học, nên dù sao cũng có cái gọi là động lực rõ ràng, để người lớn có động lực là việc khó kinh khủng khiếp. Mình dùng lịch sử học tiếng của mình để giải thích vụ động lực:
-Tiếng Nhật => Fails => Duy nhất 1 lý do: học để làm gì? Fails đến nổi mà đây là 1 trong những lý do nghỉ luôn học Đại học
-Tiếng Pháp => Fails => Như trên
-Tiếng Đức => Ok => Duy nhất 1 lý do: phải tồn tại, phải kiếm tiền
-Tiếng Phần => Ok => Như trên
-Tiếng Anh => Ok => Duy nhất 1 lý do: phải thoát nghèo
Tầng 2
Tầng 2, là tầng mà người ta nói lén mình mình cũng hiểu, nghĩa là nương hay không nương mình, yêu ghét mình gì mình cũng hiểu, ai nói giọng gì cũng hiểu, nói lén là sẽ hiểu. Chưa có bàn gì về viết hay học thuật, đang nói về giao tiếp thôi. Tầng này theo mình là cần vài năm thẩm thấu. Tầng 2 này dễ hơn tầng 1 rất nhiều lần vì tầng một đã giải quyết vấn đề nan giải nhất là vấn đề động lực. Giống như xe đã nổ máy chạy rồi thì chỉ có chạy xung lên thôi. Ngoài ra, đến khúc này thường mọi người ít bị áp lực về thời gian hơn, thẩm thấu ngôn ngữ 1 cách tự nhiên hơn.
Nói tóm lại là làm sao để vượt qua tầng 1 là mấu chốt của vấn đề.