RAB news
Thời kỳ trước đây, chuyện đi du học chủ yếu tập trung ở một số người có điều kiện học thuật, có sự chuẩn bị sẵn về nhiều mặt từ gia đình, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của các dịch vụ tư vấn về việc chọn trường cũng như làm thủ tục đi học.
Trong những năm gần đây, theo quan sát của chúng tôi, một xu hướng mới đang hình thành, đó là: Việc đi học ở nước ngoài dần trở thành một chuyện bình thường đối với nhiều gia đình, và người học ngày càng tự lập hơn trong việc lựa chọn đường hướng và xử lý các thủ tục.
Không chỉ dành cho số ít
Trước đây, người có khả năng đi du học thường thuộc về 2 nhóm chính: nhóm có điều kiện kinh tế tốt và nhóm có thành tích học tập xuất sắc. Nhóm đầu tiên dễ dàng đi học vì điều kiện gia đình khá giả. Nhóm thứ hai hầu hết tìm kiếm được học bổng để hỗ trợ quá trình học tập. Sinh viên từ cả hai nhóm đều phải có năng lực ngoại ngữ từ khá tốt trở lên, đặc biệt là nhóm xin học bổng toàn phần. Những sinh viên này gia đình của họ đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đi du học từ sớm.
Gần đây đã xuất hiện nhóm thứ ba1. Nhóm này không nhất thiết phải có đầy đủ các đặc điểm giống 2 nhóm đầu tiên (giàu, giỏi, giấc mơ). Ngược lại, người của nhóm này khá ung dung – “relaxed” – ở nhiều phương diện. Họ không quá nổi trội về mặt tài chính hoặc thành tích, nhưng họ là người độc lập, có tính tự quyết cao, có lối suy nghĩ thực tế, và có tầm nhìn xa.
Du học chỉ là một trong các quyết định của cuộc đời, chỉ là một lựa chọn thực tế.
Đối với họ (nhóm mới), đi du học chỉ là một trong các quyết định của cuộc đời, chỉ là một lựa chọn thực tế, và hoàn toàn không phải vì một lý do fancy hão huyền nào đó.
Làm chủ lựa chọn
Theo một báo cáo của McKinsey & Company2, người của Thế hệ Z (sinh ra từ năm 1995-2010) có một số đặc điểm cá tính khác với thế hệ trước, trong đó có tính chất “bản thể đa chiều” và “sống thực tế”. Họ không xác định bản thân qua một khuôn mẫu cố định, mà cho phép thử nghiệm những cách sống khác nhau và định hình bản sắc cá nhân của họ theo thời gian. Họ hiểu rằng có “nhiều chân lý” khác nhau và mỗi cá nhân luôn muốn thể nghiệm “chân lý” của riêng mình.
Do đó cách ra quyết định về đường hướng học hành của thế hệ trẻ cũng đã khác so với các đàn anh, đàn chị. Nếu thế hệ trước đây chọn trường dựa trên tiếng tăm của trường đó, thế hệ trẻ mới có xu hướng chọn dựa trên sự hứng thú của họ đối với giá trị của nhà trường hoặc đối với vùng đất họ muốn khám phá. Nếu nhiều đàn anh/chị ưu tú trước đây đi học với mục đích cạnh tranh so tài, thì thế hệ bây giờ âm thầm cười mỉm với hướng đi độc đáo của riêng mình. Một thị trường học tập trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều lựa chọn hơn cũng đồng thời hòa quyện với hướng đi mới của người học.
Thị trường đào tạo trong và ngoài nước hiện cung cấp khá nhiều lựa chọn cho học sinh, sinh viên, người đã làm. Ngày nay sinh viên không nhất thiết phải đi nước ngoài toàn thời gian mới được cấp bằng của trường nước ngoài (ví dụ: trường quốc tế tại Việt Nam, chương trình liên kết). Các chương trình kết hợp kiểu học truyền thống với học online giúp người học tiếp cận dễ dàng hơn. Trường hợp chọn đi du học thì sinh viên có thêm nhiều điểm đến thú vị mới. Thị trường cũng có nhiều loại hình đào tạo bên cạnh đại học, cao học, tiến sĩ (như cao đẳng nghề, chứng chỉ ngắn hạn, chứng chỉ bồi dưỡng sau đại học).
Các chương trình này cho phép học sinh / sinh viên học dự bị đại học từ 3 đến 6 tháng tại Việt Nam, nghĩa là học online tại nhà của mình, sau đó được chấp nhận vào học tại trường uy tín ở nước ngoài.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, một số trường đại học ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã chú trọng thúc đẩy các lộ trình học tập linh hoạt, nhằm giúp người học chủ động hơn trong việc tiếp cận các trường đại học mà họ yêu thích. Các chương trình này cho phép học sinh / sinh viên học dự bị đại học từ 3 đến 6 tháng tại Việt Nam, nghĩa là học online tại nhà của mình. Sau khi kết thúc khóa học (tiếng Anh và một số môn cơ sở), học viên được chấp nhận vào học tại trường uy tín ở nước ngoài (trong phạm vi chương trình) mà không cần phải đáp ứng thêm điều kiện khác.
Lộ trình học tập linh hoạt đã giúp nhiều người có được hướng đi riêng (mới) của mình một cách dễ dàng, không chỉ đối với học sinh vừa tốt nghiệp THPT mà còn đối với sinh viên đang theo học các đại học trong nước. Họ không phải thi IELTS/TOEFL, không phải thi Entrance Exam, không phải viết bài luận, không phải dự phỏng vấn tuyển sinh. Điều cần phải làm là chăm chỉ học tập – tại nhà, ăn cơm mẹ nấu – để qua được chương trình dự bị. Mô hình học tập này cũng giúp tiết kiệm học phí, bởi vì tín chỉ của một số môn học ở giai đoạn dự bị được công nhận và tính vào vào chương trình chính thức sau này.
Làm chủ tiến trình
Đã qua rồi cái thời mà sinh viên và phụ huynh được hướng dẫn cụ thể từ A tới Z khi chọn ngành, chọn trường, làm thủ tục. Thế hệ Z (và phụ huynh họ) trưởng thành trong một thế giới có rất nhiều thông tin, cái họ cần là một chiếc smart phone hoặc một máy tính nối mạng. Mạng Internet là một bách khoa thư về mọi thứ. Việc xác minh thông tin về trường học, ngành học, quốc gia nơi đến, văn hóa, chi phí,… cũng như việc thực hiện các thủ tục giấy tờ liên quan cần được “trao quyền” về cho người học và gia đình của họ.
Các dịch vụ tư vấn, phân hiệu, văn phòng đại diện của các chương trình quốc tế cần hướng tới cung cấp thông tin nền hoặc thông tin về các kênh tham chiếu chính thống cho sinh viên và phụ huynh của họ. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng, mà còn là cách để tăng cường sự trải nghiệm, kỹ năng sống cho người học – những người thuộc một tầng lớp có trình độ và có năng lực tự quyết cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Phản ánh sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Đến 2026, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm ¼ dân số cả nước (theo World Bank).
2. McKinsey & Company 2018, ‘True Gen’: Generation Z and its implications for companies.